Ngành thép nước ta đang trong tình cảnh “trên đe, dưới búa”, sản phẩm thép xuất khẩu bị vướng nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại; trong khi đó, thị trường trong nước phải đối mặt thép giá rẻ nhập ồ ạt từ nước ngoài, nhất là Trung Quốc.
Áp lực cạnh tranh
Nhìn lại bức tranh ngành thép trong nhiều năm trở lại đây, tổng thể không có gì sáng sủa. Theo nhận định của các chuyên gia, tiêu thụ thép đang và sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Tình trạng cung vượt xa cầu khiến không ít “đại gia” thép bị thua lỗ. Việt Nam đã tham gia ký kết và thực hiện Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam - Á và Trung Quốc (ACFTA). Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc cắt giảm thuế theo lộ trình ACFTA, ngành thép lao đao vì thép Trung Quốc tràn vào ồ ạt bằng cả đường chính ngạch lẫn nhập lậu. Từ năm 2013, nhiều DN thép đã phải đóng cửa, sản xuất cầm chừng, do thép Trung Quốc lấn át. Sự cạnh tranh không cân sức khiến thị trường thép trầm lắng một thời gian dài. Hiện nay, Trung Quốc đang dư thừa nguồn cung, thép giá rẻ có khả năng tiếp tục tràn vào Việt Nam mạnh hơn. Nếu không có các biện pháp phòng vệ, liên kết tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp thép trong nước sẽ gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng dự báo, thời gian tới, lượng thép nhập khẩu vào nước ta có khả năng tiếp tục tăng cao, nhất là về cuối năm, khi bước vào mùa xây dựng.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức trên, ngành thép Việt Nam còn đối mặt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như thép giả danh hợp kim, chứa các nguyên tố hợp kim như Bo, Crôm,… nhằm lách thuế. Thực tế, khủng hoảng thừa thép tại Trung Quốc đang khiến quốc gia này tìm đủ cách đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thị trường thế giới, và Việt Nam không thể có cách tránh khỏi. Hiện nay, tổng năng lực sản xuất thép trong nước đạt hơn 30 triệu tấn/năm (phôi thép 12 triệu tấn, thép cán 12 triệu tấn, tôn mạ phủ mầu 5 triệu tấn, thép ống 3 triệu tấn), tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong nước chưa đủ hấp thụ sản lượng thép, ngành thép đang trong tình trạng dư thừa công suất, đặc biệt là mặt hàng thép xây dựng, vì thế các nhà máy chỉ hoạt động khoảng 50 - 60% công suất thiết kế. Mặt khác, giá thép trong nước luôn cao hơn so với thép nhập khẩu cùng chủng loại. Điều này đã phản ánh năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của ngành thép trong cuộc chơi hội nhập. Ngoài cạnh tranh gay gắt giữa các DN thép trong nước, các DN thép còn phải cạnh tranh hết sức khốc liệt với thép ngoại.
Nâng cao năng lực
Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Trung Quốc vào Việt Nam. Mức thuế tự vệ tạm thời áp dụng từ ngày 22-3 đến 7-10-2016 lần lượt là 23,3% và 14,2%, trước khi ra quyết định có áp thuế tự vệ chính thức hay không. Quyết định áp dụng thuế tạm thời là công cụ phòng vệ hữu ích, vì lợi ích của toàn ngành thép và nền kinh tế, không trái thông lệ quốc tế.
Trong một thời gian dài, ngành thép đã dựa dẫm quá nhiều vào sự hỗ trợ, bảo hộ của Nhà nước. Trong xu thế hội nhập, đã đến lúc, ngành thép phải tự cứu mình, bằng cách nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh, không thể dựng “hàng rào” bảo hộ được mãi. Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chỉ là tạm thời khi có biến động bất thường. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng, khi nội lực của ngành này còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Các chuyên gia phân tích, bỏ qua các yếu tố gian lận thương mại, hay những biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc đối với thép, nhìn một cách công bằng, giá thành sản xuất của thép Trung Quốc rất cạnh tranh và về lâu dài, sức ép của thép nhập khẩu vẫn rất lớn. Vì thế, “cơn bão” thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc gây ảnh hưởng lớn tới ngành thép nước ta là hồi chuông báo động, để các DN ngành thép nhìn nhận lại. Thép là một trong vài ngành được bảo hộ nhiều nhất và lâu nhất, phát triển rất kém, thiếu cân đối, chủ yếu là thép xây dựng, còn thép đặc chủng để sản xuất những chi tiết làm máy móc hiện đại, thì ngành thép chưa làm được.
Về lâu dài, để chủ động cạnh tranh với thép nhập khẩu và hạn chế rào cản kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ khi tham gia xuất khẩu, các DN thép cần chủ động nâng cao nội lực, xây dựng ngành thép đồng bộ, hiện đại. Điều này cũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN. Việc giải quyết tận gốc những bất cập của thị trường thép Việt Nam phải bắt đầu từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thép, phát huy sức mạnh nội tại của các DN. Hiện nay, quy mô, trình độ công nghệ của nhiều DN còn hạn chế dẫn đến giá thành, chất lượng sản phẩm chưa thật sự cạnh tranh. Năng lực tài chính mỏng, nhiều DN chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất với quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu và chi phí cao.
Các DN ngành thép cần có sự thay đổi căn bản, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và có sự liên kết với nhau, lấy năng suất chất lượng làm đầu trong quá trình phát triển. Khi nước ta hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, mỗi DN không thể ỷ lại vào sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, vì điều này sẽ không còn phù hợp. Chính DN phải có ứng xử phù hợp nhất, cân bằng lợi ích hài hòa giữa DN và người tiêu dùng, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Trong xu thế hội nhập sâu rộng, ứng xử thiếu chuyên nghiệp sẽ khiến DN tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.
Theo thống kê mới nhất, đến hết tháng 6, nước ta nhập khẩu hơn 9,6 triệu tấn thép các loại, tổng kim ngạch khoảng 3,42 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2015, lượng thép nhập khẩu tăng khoảng 48% về lượng, tăng 1% về kim ngạch. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc chiếm gần 70%. Ở khía cạnh xuất khẩu, ngành thép nước ta đang bị áp dụng khoảng 62 biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước trên thế giới. Hiện có 16 quốc gia áp dụng biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng thép Việt Nam, nhiều nhất từ Hoa Kỳ, Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Chi-lê, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a,…
Nguồn Tin: Xây dựng