6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp thép lãi lớn khi ngành thép khởi sắc. Kết quả này được cộng hưởng từ việc giá thép phục hồi nhờ giá quặng sắt tăng trở lại và quyết định áp thuế tự vệ với phôi và thép dài nhập khẩu. Triển vọng 6 tháng cuối năm của ngành thép vẫn sáng, nhưng có không ít thách thức.
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 6 tháng đầu năm, sản lượng toàn ngành thép đạt hơn 8,5 triệu tấn (thép xây dựng, ống thép, tôn mạ, thép cán nguội…), tổng tiêu thụ đạt hơn 8 triệu tấn, lần lượt tăng 35,7% và 39% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư cơ sở hạ tầng tăng và thị trường bất động sản khởi sắc là hai yếu tố chính thúc đẩy tiêu dùng thép trong nước. Nhu cầu thép trong nước từ tháng 3 đến tháng 5/2016 tăng cao và chỉ giảm xuống trong tháng 6.
Nhờ đó, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thép trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Thép Nam Kim (NKG), Thép Tiến Lên (TLH). Đặc biệt, Thép Việt Ý (VIS), Thép Đà Nẵng (DNS), Thép Thái Nguyên (TIS) lãi lớn, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ ròng hàng chục tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về triển vọng ngành thép những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA cho rằng, 6 tháng cuối năm, ngành thép nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 15% như nửa đầu năm. Dự kiến, đây cũng là mức tăng trưởng cả năm 2016 của ngành thép. Mức tăng trưởng này là rất cao khi so với nhiều nước trong khu vực, dự báo chỉ tăng khoảng 6 - 7%.
Mặc dù ngành thép sẽ giữ vững đà tăng trưởng, nhưng theo ông Sưa, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong 6 tháng cuối năm khó có thể bằng nửa đầu năm, do thị trường sẽ không còn những biến động bất ngờ. Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu của Bộ Công thương vừa qua sẽ không có tác động lớn tới thị trường thép. Lý do là vì tác động của việc áp thuế tự vệ đã hình thành từ tháng 3. Cụ thể, tháng 3/2016, quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đã tạo ra hiệu ứng tâm lý trên thị trường, gây nên hiện tượng đầu cơ, đồng thời kết hợp với diễn biến tăng giá chung của thị trường thép thế giới khiến giá thép nội địa tăng cao, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Dự báo, thị trường thép những tháng cuối năm sẽ ổn định. Trước mắt, trong tháng 8, thị trường thép nhiều khả năng suy giảm vì bắt đầu vào mùa mưa bão, nhu cầu xây dựng thấp.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định, sự phục hồi của thị trường thép là chưa bền vững và giá bán khó tăng mạnh trong nửa cuối năm. Thứ nhất, việc áp thuế tự vệ chính thức đối với sản phẩm thép nhập khẩu sẽ không tạo ra dư địa tăng cho giá thép xây dựng nội địa. Mức thuế tự vệ chính thức đối với thép dài tăng từ 14,2% lên 15,4% là không đáng kể, trong khi mức độ cạnh tranh trong ngành đang gia tăng và có khả năng Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ trong những tháng cuối năm. VCBS đánh giá cao khả năng các doanh nghiệp trong nước sẽ lựa chọn phương án sử dụng dư địa từ 1,2% thuế tăng thêm nêu trên để dự phòng rủi ro tỷ giá.
Thứ hai, áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc. Công suất sản xuất của ngành thép nước này rất lớn, trong khi nhu cầu tại thị trường đông dân nhất thế giới suy giảm do nền kinh tế giảm tốc và Trung Quốc tiếp tục trợ giá (hoàn thuế VAT 13% cho doanh nghiệp, có xu hướng phá giá đồng Nhân dân tệ) để hỗ trợ xuất khẩu thép. Mặt khác, ước tính giá nhập khẩu thép Trung Quốc vào Việt Nam sau khi áp thuế tự vệ là xấp xỉ với mức giá bán hiện tại của các doanh nghiệp nội địa (đối với thép thanh khoảng 10,3 triệu đồng/tấn).
Thứ ba, giá nguyên liệu sản xuất thép bao gồm quặng sắt 62%, thép phế, than cốc đang có xu hướng ổn định trở lại sau khi tăng mạnh trong quý II. Bên cạnh đó, nguồn cung mới đang được kích hoạt khi nhu cầu lớn trong tháng 3 đã khiến một số nhà máy thép hoạt động trở lại.
VCBS dự báo, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép trong nửa cuối năm sẽ thu hẹp so với nửa đầu năm do lượng tồn kho giá rẻ đã được giải phóng gần hết, trong khi giá nguyên liệu đầu vào đang ở mức cao.
Sự kiện đáng quan tâm nhất với ngành thép hiện nay là vụ kiện liên quan đến sản phẩm tôn mạ màu, tôn kẽm màu. Từ cuối tháng 5, một số doanh nghiệp đại diện cho ngành thép sản xuất trong nước đã gửi đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn mạ màu (thép mạ kẽm phủ sơn), gồm tôn lạnh màu, tôn kẽm màu hoặc tôn đen màu. Bộ Công thương đã có quyết định điều tra vụ việc từ ngày 6/7 và hiện tại đang trong giai đoạn điều tra sơ bộ.
Nguồn tin: ĐTCK