Ninh Thuận là tỉnh nghèo, muốn có dự án lớn nhưng nhiều tỉnh ven biển cũng đã từ chối dự án thép, do đó Ninh Thuận cũng phải hết sức cân nhắc.
Nước cho dân còn thiếu, lấy đâu nước sản xuất thép?
Liên quan đến siêu dự án thép hơn 10 tỷ USD Hoa Sen-Cà Ná (Ninh Thuận), dù chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã cam kết sẽ không để xảy ra ô nhiễm môi trường, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng những nguy cơ đối với môi trường là khó tránh khỏi.
Đặc biệt, một số chuyên gia bày tỏ nỗi lo ngại về nguồn nước của Ninh Thuận khi đây là tỉnh thường xuyên chịu hạn hán khốc liệt trong thời gian qua, thậm chí từng phải công bố tình trạng hạn hán khẩn cấp nhưng theo thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, UBND tỉnh vẫn cam kết sẽ cung cấp đủ 250.000 -300.000 m3 nước/ngày đêm cho doanh nghiệp này đảm bảo sản xuất từ 6 -12 triệu tấn thép. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng chấp thuận tách hai kênh nước khác biệt nhau để đảm bảo cung cấp nước cho nông nghiệp và công nghiệp.
Du an thep 10 ty USD: Dan nhuong nuoc cho thep?
Phối cảnh thiết kế mặt bằng quy hoạch dự án thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận.
Ông Vũ Đình Đáp - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ NN&PTNT) cho biết, khi lập dự án này, cơ quan lập dự án và tư vấn chắc chắn đã tính toán các yếu tố đầu vào, chẳng hạn nhà máy thép 1 năm cần bao nhiêu nước, nước thải đi đâu... Sau bài học Formosa, bộ phận tư vấn lập dự án, các hội đồng thẩm định đương nhiên sẽ cảnh giác hơn rất nhiều.
"Tuy nhiên, nhiều tỉnh ven biển đã từ chối dự án thép cách đây cả chục năm, như Khánh Hòa, Đà Nẵng. Đó là những tỉnh có điều kiện tự nhiên hơn hẳn Ninh Thuận, đặc biệt là về nguồn nước, trong khi đó Ninh Thuận là một tỉnh khan hiếm nước, không có đủ nước để làm nông nghiệp, chăn nuôi. Dĩ nhiên, với một tỉnh nghèo như Ninh Thuận, cả về nguồn lực tự nhiên, kinh tế, vốn liếng..., họ muốn có dự án lớn để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách nhưng nhiều địa phương ven biển như Ninh Thuận đã dũng cảm từ chối dự án thép, do đó địa phương cũng cần cân nhắc, thận trọng", ông Vũ Đình Đáp nói.
Trong khi đó, GS.TS Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên cao cấp ĐH Quốc gia Hà Nội, người đã trực tiếp cùng đoàn khảo sát của các nhà khoa học đi thực địa tại biển miền Trung sau sự cố môi trường nghiêm trọng Formosa cũng cảnh báo, bài học nhãn tiền Formosa vẫn còn đó và đến nay hậu quả của nó vẫn chưa thể giải quyết hết, vì thế Ninh Thuận phải hết sức cân nhắc.
GS Tiến lo ngại, nước ở Ninh Thuận luôn thiếu, không biết tỉnh sẽ lấy nước ở đâu để cung cấp cho dự án thép có công suất lớn như Hoa Sen-Cà Ná (16 triệu tấn/năm). Chưa kể, người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào nghề đi biển, làm cá hấp và muối, nếu chất thải của nhà máy thép tràn ra biển và cánh đồng muối, cuộc sống của người dân cũng như môi trường sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng.
Lời hứa hay nhưng...
Trước đó, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã cam kết, đối với dự án thép Hoa Sen-Cà Ná, doanh nghiệp này “không để một giọt nước thải ra biển” và "nếu dự án gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao hết toàn bộ tài sản cho Nhà nước".
Cho rằng phát biểu của chủ đầu tư rất hay, rất mạnh mẽ, nhưng cả hai vị chuyên gia vẫn không hết lo ngại.
GS.TS Dương Đức Tiến cho biết, trước đây lãnh đạo của Formosa cũng phát biểu rất hay, cũng đánh giá tác động môi trường khá bài bản, không thiếu gì nhưng khi đi vào vận hành mới bộc lộ rất nhiều vấn đề. Ở Formosa mới chỉ là vấn đề nước thải, còn chất thải rắn, khí độc... chưa rõ xử lý thế nào.
"Kết quả từ dự án Formosa là bài học nhãn tiền, không thể cứ thoải mái với các dự án thép", ông Tiến nhấn mạnh.
Nguồn tin: Đất việt