logo vietsang nho

CÔNG TY TNHH SX TM XNK THÉP VISA

 HOTLINE: 0911665959
 

"THƯƠNG HIỆU THÉP CỦA MỌI CÔNG TRÌNH"

 

Văn phòng : 0272-3647764, 072-3647766
  Fax: 0272-3647765
cccl rieng moi iafcccl rieng moi vicascccl rieng moi aqs Chung chi chat luong Chung chi chat luong                                            Tuyển dụng

CÔNG TY TNHH SX TM XNK THÉP VISA

Thep

Các mức thuế mới, được đưa ra với lý do nhằm đảm bảo an ninh quốc gia này, rất có thể sẽ được xem xét không áp dụng với các đồng minh NATO, hay Nhật Bản và Hàn Quốc, mà chỉ tập trung vào Trung Quốc.

 

Mục tiêu thực sự của Mỹ khi áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu. Ảnh: EPA

Trang tin Projectsyndicate mới đây đã đăng bài phân tích "Nguyên nhân thực sự khiến Tổng thống Trump áp thuế đối với thép và nhôm" của ông Martin Feldstein, Giáo sư kinh tế Đại học Harvard, Giám đốc Hội đồng kinh tế đối ngoại, Chủ tịch danh dự của cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia, nguyên chủ tịch Ủy ban tư vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (1982-1984).

Theo bài viết, hôm 8/3, bất chấp sự phản đối của nhiều doanh nghiệp và nghị sĩ, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Hiện chỉ có Canada và Mexico được miễn trừ trong kế hoạch này.

Sau đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thông Trump đang đàm phán với một số quốc gia về khả năng miễn trừ hàng rào thuế mới của Mỹ đối với hai mặt hàng nói trên.

Giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/3 cho biết hai bên đang bắt đầu một vòng đàm phán mới, nhằm hướng đến một giải pháp “cả hai bên cùng chấp nhận được” liên quan đến các tranh chấp thương mại, trong đó có vấn đề đánh thuế mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu.

Trong buổi điều trần trước Quốc hội ngày 21/3, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Washington cũng đang thảo luận về việc miễn trừ chính sách thuế quan mới đối với Australia, Argentina và Brazil, và các cuộc đàm phán này dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng Tư.

Có thể thấy, mục tiêu thực sự của việc Mỹ áp đặt thuế cao lên các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu chính là nhằm vào Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc từ vài năm trước đã cam kết sẽ giảm lượng thép thặng dư, từ đó cắt giảm lượng sắt thép được trợ giá xuất khẩu vào Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã không thực hiện được cam kết đó do áp lực phải bảo vệ việc làm cho những người lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất này. Các mức thuế Mỹ áp đặt sẽ giúp cân bằng với áp lực công việc của Bắc Kinh, từ đó gia tăng khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường cắt giảm công suất dư thừa trong lĩnh vực sản xuất sắt thép và nhôm.

Do các mức thuế nếu được đề xuất theo quy định của luật thương mại, áp dụng với lý do nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, không phải áp đặt vì lý do bán phá giá hoặc thặng dư nhập khẩu, rất có thể nó sẽ được xem xét không áp dụng đối với các đồng minh NATO cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc mà chỉ tập trung vào Trung Quốc.

Điều này có thể giúp tránh được nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại. Mặc dù chính quyền Trump chưa tuyên bố lý do đánh thuế theo cách này, song đây mới chỉ là giai đoạn đầu, do đó các đối tác thương mại có thể tìm cách để được hưởng miễn trừ các loại thuế này.

Đối với Mỹ, vấn đề quan ngại nhất trong giao thương với Trung Quốc là các hoạt động chuyển giao công nghệ chứ không phải là các mặt hàng nhôm, thép được trợ giá xuất khẩu. Mặc dù các hoạt động trợ giá này làm tổn thương các nhà sản xuất nhôm và thép của Mỹ, nhưng giá thấp sẽ có lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sử dụng các mặt hàng này. Ngược lại, Trung Quốc rõ ràng đã làm tổn thương lợi ích Mỹ khi đánh cắp công nghệ của các công ty Mỹ.

Mấy năm trước, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng an ninh mạng trong quân đội để thâm nhập các công ty Mỹ và đánh cắp công nghệ. Trước thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình tại California (Mỹ) hồi tháng 6/2013, các quan chức Trung Quốc đã phủ nhận tất cả các hành động này.

Sau đó, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Chính phủ Trung Quốc không bao giờ sử dụng quân đội hoặc các cơ quan chính phủ khác đánh cắp công nghệ của Mỹ. Mặc dù khó để kiểm chứng được điều này, song dường như các hoạt động đánh cắp đã giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, hoạt động đánh cắp công nghệ của Trung Quốc lại chuyển sang hình thức mới. Các công ty Mỹ muốn làm ăn tại Trung Quốc thường bị yêu cầu phải chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc như là điều kiện để tiếp cận thị trường. Những công ty Mỹ này "tự nguyện" chuyển giao công nghệ vì muốn tiếp cận thị trường 1,3 tỉ dân với quy mô nền kinh tế tương đương Mỹ.

Các công ty này của Mỹ đã ca thán rằng các yêu cầu chuyển giao công nghệ là một hình thức tống tiền. Hơn nữa, họ lo ngại việc Trung Quốc thường gây khó khăn cho họ trong việc tiếp cận thị trường để kéo dài thời gian giúp cho các công ty trong nước đủ thời gian áp dụng các công nghệ mới nhằm tranh giành thị phần với họ.

Mỹ không thể sử dụng các biện pháp truyền thống để giải quyết các tranh chấp thương mại với Trung Quốc hoặc thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để điều chỉnh hành động của Trung Quốc. Mỹ cũng không thể đe dọa tới công nghệ của các công ty Trung Quốc hoặc yêu cầu các công ty Trung Quốc chuyển giao công nghệ của họ cho công ty Mỹ, bởi các công ty Trung Quốc không có được các công nghệ tiên tiến như của các công ty Mỹ.

Trong bối cảnh đó, rất có thể biện pháp đối phó của Mỹ là áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu. Các nhà đàm phán Mỹ sẽ sử dụng vấn đề này để gây áp lực lên Trung Quốc, buộc phải từ bỏ chính sách "chuyển giao công nghệ tự nguyện" và không gây khó khăn cho công ty Mỹ trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Nếu điều đó thành công, các công ty Mỹ có thể làm ăn tự do tại Trung Quốc mà không bị ràng buộc bởi các yêu cầu chuyển giao công nghệ. Đây sẽ là một thành công trong việc sử dụng chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Nguồn tin: Bnews