Là một trong những ngành phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhất từ các nước, ngành thép trong nước đang đứng trước nỗi lo giảm sản lượng xuất khẩu.
Theo đó, các DN ngành thép cần phải chủ động biến thách thức thành cơ hội trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Thép nhập khẩu qua cảng Bến Nghé TP.HCM. Ảnh: Thu Hòa
Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo “Thực trạng và thách thức của ngành Thép Việt Nam trong bối cảnh các nước gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại” diễn ra tại TP.HCM ngày 30/8 do Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức.
Nhiều triển vọng
Ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch – kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nhìn chung, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép của Việt Nam có nhiều triển vọng và tiềm năng phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ của 3 năm trở lại đây với hơn 11,7 triệu tấn (năm 2017 là hơn 9,4 triệu tấn, 2016 là hơn 8,5 triệu tấn), đáp ứng nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu.
Tính đến hết 30/6/2018, NK thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại đạt hơn 8,18 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6,64 tỷ USD, giảm lần lượt 7,9% về lượng, và 19,2% về giá trị NK. Trong 6 tháng XK thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt hơn 3,5 triệu tấn, với kim ngạch XK đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng lần lượt 30% về lượng, và tăng 42% về giá trị XK.
ASEAN vẫn là thị trường XK chính, với lượng XK thép thành phẩm gần 1,6 triệu tấn thép, chiếm tới gần 57% tổng lượng thép thành phẩm XK.
Ngoài ra, theo ông Khải, Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi công nghiệp vật liệu phát triển, trong đó có vật liệu kim loại. Chỉ số thép/người của nước ta chỉ ở mức trung bình của thế giới (240kg/người), thua Thái Lan (285kg/người); Malaysia là 325kg/người; Singapore 506kg/người. Do vậy, ngành thép sẽ tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Trước sự thâm nhập của thép ngoại cũng những chiêu trò gian lận thương mại, ngành thép đã được Chính phủ và Hội đồng Cạnh tranh quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng vẫn tuân thủ quy định của WTO.
DN cần chủ động
Tuy nhiên, là một trong những ngành phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhất từ các nước, ngành thép trong nước đang đứng trước nỗi lo giảm sản lượng XK.
Ông Trần Đình Du, đại diện Công ty CP Đại Thiên Lộc cho biết, trong thời gian gần đây, các DN thép phải chịu áp lực do tình hình bảo hộ thương mại từ các nước, như EU, Mỹ, Canada, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… khiến tình hình XK bị giảm sút. Bản thân công ty sản lượng XK giảm khoảng 50%. Ngoài ra, sản xuất trong nước cũng bị cạnh tranh lớn với các sản phẩm thép NK từ các nước khác.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong hơn 1.500 các vụ việc phòng vệ thương mại, ngành thép chiếm hơn 30%. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, ngành thép trên thế giới bị đánh thuế phòng vệ rất lớn, thép Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ngành thép Việt Nam cũng như đa số các nước khác đang phải đối mặt với Điều luật 232 của Mỹ với mức thuế 25% cho sản phẩm nhôm, thép NK vào Hoa Kỳ. Mặc dù chúng ta chỉ XK thép xây dựng dân dụng và chỉ chiếm 1,6% trong tổng lượng thép NK của Mỹ; không thể ảnh hướng tới an ninh nước Mỹ. Điều này đặt các DN thép Việt Nam trước những khó khăn trong việc tìm giải pháp đối mặt với các vụ kiện, giữ vững thị trường XK.
Theo đó, đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, để ứng phó và tránh được tối đa các vụ kiện phòng vệ, bản thân DN nên chủ động phòng tránh bằng cách đa dạng hóa thị trường XK, tránh phát triển quá nóng một thị trường; đa dạng hóa mặt hàng, cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm với giá cao, giảm dần cạnh tranh bằng giá rẻ.
Đồng thời, cần tìm hiểu rõ về pháp luật, xu hướng kiện phòng vệ của nước XK; chủ động đối phó với vụ kiện như thuê luật sư tư vấn, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội, Cục Phòng vệ thương mại và chuẩn bị tốt hồ sơ, chứng từ, xác định rõ chiến lược kháng kiện…
Nguồn tin: Hải quan