Đúng với bản chất của nó, quặng sắt chưa và sẽ không bao giờ xung đột với nhau. Vậy mà trên thương trường lại đang xảy ra "cuộc chiến” về quặng sắt. Nguyên nhân dẫn đến "cuộc chiến” này thuộc về chủ quan, do nội tại ngành thép tự gây ra.
Một bên là Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), một bên là nhiều DN khai thác quặng sắt hiện đang "so găng” về mặt hàng quặng sắt. Trong văn bản gửi Chính phủ cùng với Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên môi trường, VSA đưa ra kiến nghị không cho xuất khẩu quặng sắt nhằm bảo đảm nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất thép trong nước. Theo chiều ngược lại, nhiều DN khai thác quặng sắt lại đề nghị Chính phủ và Bộ Công thương tiếp tục cho xuất khẩu loại nguyên liệu này. Cùng mặt hàng quặng sắt, VSA nói "không” với xuất khẩu, trong khi các DN khai thác quặng sắt lại nói "có”, thế là xảy ra "cuộc chiến” do nội tại ngành thép gây ra.
Trên địa bàn cả nước hiện có 14 lò cao đảm nhận luyện nguyên liệu quặng sắt thành sản phẩm, với tổng công suất mỗi năm lên đến 3.829.000 tấn. Thời gian gần đây không ít lò cao rơi vào tình trạng ngừng hoạt động chỉ vì thiếu nguyên liệu quặng sắt. Về trữ lượng trong tự nhiên, Việt Nam không những không thiếu mà còn thừa nguyên liệu quặng sắt so với nhu cầu sử dụng hiện thời. Trên cơ sở khảo sát từ nhiều nguồn tài liệu, VSA cho biết tổng trữ lượng quặng sắt của Việt Nam có hơn 1 tỉ tấn. Với khả năng khai thác hiện có, nguyên liệu quặng sắt phục vụ sản xuất trong nước không hề thiếu. Tuy vậy, trong thực tế đang diễn ra nghịch lí, một số lò cao trở nên "ngắc ngoải” bởi không có nguyên liệu quặng sắt.
Phía DN khai thác quặng sắt chọn "kiểu chơi” mang tính đối chọi với nhu cầu sản xuất trong nước. Thay vì phục vụ nhu cầu của các lò cao hiện đang thiếu nguyên liệu, các DN khai thác quặng sắt "ưu tiên hàng đầu” cho xuất khẩu, chủ yếu bán cho Trung Quốc. Số liệu của VSA đưa ra làm nhiều người hốt hoảng, chỉ trong 2 năm 2011-2012, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam hơn 4,5 triệu tấn quặng sắt. Tình trạng "chảy máu” khoáng sản nhiều lần được cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục tái diễn ở mức nghiêm trọng. Vì lợi ích cục bộ của DN (nói đúng hơn là của một bộ phận thuộc DN) xuất khẩu khoáng sản cho Trung Quốc có lợi hơn phục vụ sản xuất trong nước. Đó là gốc của vấn đề lí giải vì sao các DN khai thác khoáng sản lại "say sưa” đề nghị cơ quan chức năng cho phép xuất khẩu nguyên liệu khoáng sản.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương chỉ cho phép xuất khẩu khối lượng khoáng sản tồn kho ở một số địa phương. Quy định này đã và đang bị lạm dụng, thậm chí có biểu hiện cố tình tạo kẽ hở tiếp tay cho tình trạng "chảy máu” khoáng sản. Khai gian lượng khoáng sản tồn kho (chưa có trong kho đã khai tồn kho, tồn kho ít nhưng khai vống lên nhiều). Vì lợi ích trước mắt cũng như bảo đảm nền tảng lâu dài của nền kinh tế, rất nên thực hiện đề xuất đúng đắn của VSA: không cho xuất khẩu khoáng sản, kể cả loại tồn kho.
Nguồn: Đại đoàn kết