Nhập khẩu (NK) phế liệu là nhu cầu cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý hoạt động này.
DN "lách" luật
Tại hội thảo “Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động NK phế liệu” do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức chiều ngày 8-11 tại Hà Nội, ông Ngô Minh Hải- Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2013, lượng phế liệu NK rất lớn, gồm các mặt hàng chính là thạch cao, nhựa, giấy và sắt thép.
Trong số đó, sắt thép là mặt hàng phế liệu NK đứng đầu, lên tới hơn 2,7 triệu tấn với giá trị trên 1 tỷ USD. Sắt, thép chiếm tới 83% tổng số phế liệu NK trong 10 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này, cơ quan Hải quan gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó, nổi bật nhất là việc giải quyết lượng phế liệu còn tồn đọng khá lớn tại các cảng.
Ông Hải lý giải: NK phế liệu mang lại cho các doanh nghiệp (DN) lợi nhuận rất lớn do DN không phải bỏ vốn mà còn được đơn vị XK trả thêm tiền. Bởi vậy, DN thường tìm mọi cách "lách" luật nhằm thực hiện trót lọt hành vi này.
Thủ đoạn các DN thường dùng là khai báo hàng tạm nhập, tái xuất. Sau đó, DN trốn đi, bỏ lại hàng đã nhập mà không tiến hành tái xuất. Một mánh lới khác là, trong quá trình NK, DN chỉ khai báo là mặt hàng thông dụng bình thường nhưng thực chất là NK phế liệu.
Khi bị lực lượng Hải quan phát hiện, DN thường khai báo gửi nhầm hàng và yêu cầu trả lại hàng cho đơn vị XK. Tuy nhiên, trong những tình huống như vậy, không có bất kỳ nhà XK nào chấp nhận. Điều này dẫn tới tình trạng, phế liệu NK không ai nhận, tồn tại cảng. “Chi phí để tiêu hủy số phế liệu này rất lớn và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường”- ông Hải nhấn mạnh.
Không chỉ lực lượng Hải quan, các đơn vị quản lý môi trường cũng vấp phải khá nhiều vướng mắc trong công tác quản lý hoạt động NK phế liệu.
Ông Nguyễn Trường Huynh, chuyên viên Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Thời gian qua, tình trạng DN lợi dụng việc cho phép NK phế liệu của Nhà nước để NK rác thải, các chất độc hại vẫn còn khá nhiều, hình thức NK hết sức tinh vi…
Hiện nay, vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện nghiêm túc việc thông báo NK phế liệu. Quá trình kiểm tra hoạt động của các DN NK và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho thấy, điều kiện kho bãi chứa phế liệu không đạt yêu cầu rất phổ biến.
Bên cạnh đó, đối với việc NK phế liệu làm nguyên liệu vận hành trong giai đoạn thử nghiệm của dự án lại nảy sinh tình trạng, các DN đang trong giai đoạn xây dựng, vận hành thử nghiệm chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục môi trường. Do vậy, mặc dù có nhu cầu về NK phế liệu làm nguyên liệu vận hành thử nghiệm nhưng DN lại chưa thể hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện NK phế liệu.
Ngoài ra, trong quá trình giám định phế liệu, các DN, đơn vị được chỉ định đủ điều kiện giám định phế liệu NK chưa làm đúng quy trình giám định phế liệu đã được trình bày trong hồ sơ xin được tham gia hoạt động giám định phế liệu NK phục vụ quản lý nhà nước…
Tăng cường trao đổi thông tin
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, TS. Đặng Văn Lợi, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) cho rằng cần phổ biến, đào tạo và nâng cao nhận thức về pháp luật đối với hoạt động NK phế liệu; tổ chức tập huấn quy định về phế liệu cho các Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng Hải quan, cơ quan giám định, DN NK…
Tăng cường biện pháp cải thiện tình trạng kho bãi chứa phế liệu NK thông qua việc thẩm định cấp giấy chứng nhận không cấp hoặc hạn chế số lượng phế liệu được phép NK nếu năng lực kho bãi không đạt yêu cầu; tăng cường họp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý có liên quan cấp trung ương, địa phương để kịp thời quản lý DN.
Đồng tình với các quan điểm trên, ông Ngô Minh Hải cho rằng, việc NK phế liệu ở góc độ nào đó là cần thiết nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, cần tăng cường trao đổi thông tin trong cũng như ngoài nước để ngăn ngừa vận chuyển chất thải vào Việt Nam.
Đồng thời, phải rà soát, bổ sung quy định kiểm soát chặt tạm nhập, tái xuất và XNK phế liệu ngay từ giai đoạn xin phép. Khâu này rất quan trọng, yêu cầu phải đảm bảo xác thực, kỹ càng từ khâu kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế DN mới cấp phép cho DN NK phế liệu.
Nguòn:(HQ Online)