Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2014 đã được Bộ Tài chính hoàn thiện và gửi xin ý kiến trước khi ban hành. Theo dự kiến của Bộ Tài chính, có 170 dòng thuế NK sẽ được điều chỉnh mức thuế suất.
Thuế NK thép bo là 10%
Bộ Tài chính cho biết, Biểu thuế Nhập khẩu ưu đãi hiện hành có 9.556 dòng thuế. Thực hiện cam kết WTO năm 2014, 393 dòng thuế thuộc diện cắt giảm, trong đó có 223 dòng thuế đã có mức thuế suất hiện hành năm 2013 thấp hơn hoặc bằng mức cam kết WTO năm 2014 nên chỉ còn 170 dòng thuế phải điều chỉnh giảm mức thuế suất xuống bằng mức cam kết WTO năm 2014.
Việc điều chỉnh các mức thuế suất cũng sẽ tuân thủ khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Sau khi điều chỉnh mức thuế suất của 170 dòng thuế bằng mức cam kết WTO thì tổng số mức thuế suất tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi phát sinh là 37 mức (nhiều hơn so với mức thuế suất năm 2013 là 1 mức thuế suất).
Với việc thực hiện cắt giảm 170 dòng thuế thì mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi trung bình toàn bộ Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi sẽ giảm từ 10,42% xuống còn 10,37%. Theo đó, số thu thuế nhập khẩu sẽ giảm 506 tỷ đồng (với giả thiết mức kim ngạch chịu thuế MFN 2014 bằng với mức năm 2013 là 48 tỷ USD).
Đặc biệt, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung thêm nhóm 72.29 vào mục Mã số tương ứng tại mục I phụ lục II của nhóm 98.11: “Thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo trừ chủng loại thép cán mỏng, cán phẳng được cán nóng” thành 72.25, 72.26, 72.27, 72.28, 72.29. Trước đây nguyên tố Bo chỉ được đưa vào nhóm thép hợp kim dạng tấm nay đã xuất hiện cả trong loại dây thép hợp kim, do vậy cần đưa thêm chủng loại dây thép này vào nhóm 98.11 để hạn chế gian lận thương mại. Theo đó thuế suất mặt hàng thép hợp kim chứa nguyên tố Bo thuộc nhóm 72.29 tăng từ 0% lên 10%.
Chi tiết nhóm hàng XK đến cấp độ 8 số
Đối với Biểu thuế Xuất khẩu, cam kết về thuế xuất khẩu trong WTO chỉ áp dụng đối với nhóm mặt hàng phế liệu sắt thép và phế liệu kim loại màu. Mức cắt giảm cuối cùng là 17% đối với phế liệu sắt thép và 22% đối với phế liệu kim loại màu vào năm 2012. Riêng thuế xuất khẩu phế liệu thép không gỉ hiện hành là 15%, bằng mức sàn của khung thuế suất do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.
Theo đó, mức 22%, 17% và 15% đã được quy định tại Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi năm 2012 và tiếp tục giữ nguyên mức thuế suất tại Biểu thuế 2013. Năm 2014 Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức 22%, 17% và 15% đối với các mặt hàng phế liệu sắt thép và phế liệu kim loại màu tại Biểu thuế xuất khẩu 2014.
Danh mục Biểu thuế xuất khẩu hiện hành được chi tiết theo tên và mã số hàng hoá của nhóm mặt hàng hoặc mặt hàng ở cấp độ mã số 4 chữ số hoặc 8 chữ số và có hướng dẫn về cách kê khai mã số hàng hoá khi xuất khẩu tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 193/2012/TT-BTC.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Biểu thuế xuất khẩu, Bộ Tài chính có nhận được một số phản ánh vướng mắc về cấu trúc và áp mã hàng hoá xuất khẩu.
Để tạo thuận lợi trong thực hiện của doanh nghiệp và cơ quan Hải quan, Bộ Tài chính dự thảo danh mục Biểu thuế xuất khẩu 2014 theo danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam với nguyên tắc: Chi tiết các nhóm mặt hàng đến cấp độ 8 số; Mã số và mô tả hàng hoá tuân thủ theo Danh mục hàng hoá nhập khẩu Việt Nam ban hành theo Thông tư 156/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Đối với những nhóm hàng đã được định danh như trong Biểu nhập khẩu thì được ghi mã số và tên mô tả hàng hoá giống như trong Biểu nhập khẩu. Những mặt hàng chưa được định danh trong Biểu thuế nhập khẩu thì tuỳ tính chất mặt hàng, quy tắc phân loại hàng hoá mà được chi tiết tên riêng và áp mã số theo mã số của Biểu thuế nhập khẩu.
Dự thảo Biểu thuế đang được Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành liên quan để sớm ban hành và áp dụng từ 1-1-2014.
Nguồn: Hải quan