Bộ Công Thương vừa gửi công văn đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và các doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thép cho cốt bê tông bắt đầu từ năm 2014 nghiêm túc thực hiện áp dụng “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông theo QCVN 7: 2011/BKHCN ban hànhngày 22/9/2011.
Bộ Công Thương đề nghị, thứ nhất, đối với thép làm cốt bê tông sản xuất trong nước đã áp dụng QCVN 7: 2011/BKHCN thì tiếp tục áp dụng, nếu DN nào chưa áp dụng các quy định trên bắt buộc phải áp dụng trước ngày 1/1/2014. Thứ hai, đối với thép làm cốt bê tông được lưu thông trên thị trường kể từ ngày 1/6/2014 bắt buộc phải được áp dụng các quy định QCVN 7: 2011/BKHCN, với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các DN sản xuất thép và người tiêu dùng trong nước.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng, nhấn mạnh: Việc xây dựng quy chuẩn trên được trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế, nhưng đồng thời cũng dựa trên thực tế hay cả trình độ công nghệ của Việt Nam, song song với đó thì chất lượng sản phẩm được áp dụng ở mức độ đảm bảo, an toàn cho người sử dụng, cho công trình, cho môi trường và cho cả cộng đồng xã hội…
Ông Vinh cho biết, với những yêu cầu trên, nên khi ban hành quy chuẩn QCVN 7 hầu như đã phù hợp với DN Việt Nam, trừ số ít các DN sản xuất ra sản phẩm có chất lượng kém, hoặc công nghệ kém, hay DN làm theo kiểu “chộp giật” sản xuất ra thép kém chất lượng để bán với giá bán rẻ thì sẽ không còn phù hợp. Do đó, khi thực hiện quy chuẩn bắt buộc chính DN đó phải thay đổi, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho các DN làm ăn nghiêm túc cho ra các sản phẩm chất lượng cao để có điều kiện cạnh tranh và khẳng định vai trò chất lượng sản phẩm của mình trên thị trường, qua đó sẽ đảm bảo tính công bằng.
Ông Vinh cho rằng: Mặc dù khó khăn, nhưng muốn DN hoạt động tốt, các DN cần phải vận dụng điều kiện kinh tế, công nghệ của mình, đào tạo cán bộ và thực hiện các biện pháp quản lý tiên tiến. Cùng với đó, Bộ KHCN và Tổng cục luôn tuyên truyền giải pháp tiên tiến để giảm thiểunhững tồn tại yếu kèm trong quản lý và công nghệ ứng dụng, nhằm đem hiệu quả cao nhất cho DN. |
Ông Vinh nhận xét, nhiều DN Việt Nam chưa thấu hiểu và chưa nhận thức được sâu sắc về việc áp dụng quy chuẩn để có trách nhiệm tham gia. Đơn cử ở các nước trên thế giới DN còn tự bỏ tiền xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng tại VN thì ngược lại là Nhà nước phải bỏ tiền ra xây dựng tiêu chuẩn. Do vậy, trong quá trình xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn Tổng cục đều lấy ý kiến của các DN, các nhà khoa học, các trường đại học... để có sự thống nhất. Việc xây dựng để ban hành tiêu chí đều phải trên nền tảng tạo điều kiện cho DN, tất nhiên khi áp dụng cũng sẽ phải loại bỏ một số DN yếu kém, chính vì lẽ đó sẽ không thể tránh khỏi có DN kêu than, nhưng vì liên quan tới an toàn, chất lượng sản phẩm nên Tổng cục sẽ không chấp nhận thay đổi và sẽ thực hiện đúng thời gian quy định ngay từ đầu năm 2014 đối với thép làm cốt bê tông sản xuất trong nước, và tiếp đó kể từ ngày 1/6/2014 thép cốt bê tông lưu thông trên thị trường cũng được áp dụng quy chuẩn này.
Ông Vinh cho biết thêm, gần đây Tổng cục chưa nhận được văn bản nào của VSA hoặc của DN đưa ra ý kiến lên quan tới Quy chuẩn 7.
Theo ông Vinh, việc kéo dài thời gian thực hiện QCVN 7: 2011/BKHCN do chỉ liên quan tới cách ghi nhãn và cách thức ghi nhãn chứ không hề liên quan tới công nghệ hay yêu cầu quá khắt khe để ảnh hưởng tới DN. Việc kéo dài thời gian áp dụng để cho DN tiết kiệm, vẫn sử dụng tiếp sản phẩm gắn nhãn cũ. Do đó, đầu năm 2014 đến hạn bắt buộc phải sử dụng Quy chuẩn 7, nếu DN nào chưa bán hết số thép đó thì phải có thống kê lượng tồn thực tế và niêm phong lại, nếu thực sự có hàng tồn kho, thanh tra, kiểm tra tại các địa phương phải xác định rõ để giải quyết theo lượng hàng tồn, đồng thời có ý kiến lên Tổng cục sẽ có biện pháp kiến nghị lên Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý cho hợp lý. Sau thời gian quy định, DN không áp dụng sẽ bị xử phạt theo đúng hành vi vi phạm theo Nghị định 80 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Khi đó, DN đóng tại tỉnh nào thì thanh tra tỉnh đó phải chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử phạt theo đúng quy định.
Nguồn tin: Công thương