Ngành thép Việt Nam đang "ngàn cân treo sợi tóc", bởi theo dự báo, sản lượng thép thô năm 2014 của Trung Quốc có thể đạt tới 800 triệu tấn/năm (dư thừa khoảng 200 triệu tấn), nên sẽ không tránh khỏi việc đẩy mạnh xuất khẩu (XK) thép ra các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thực sự phục hồi ổn định và mức độ tăng trưởng chậm hơn so với kỳ vọng, ngay tại Châu Á, kinh tế Trung Quốc năm 2013 cũng đã tăng trưởng chậm lại, trong khi sản lượng thép của Trung Quốc lại chiếm tới 48,5% sản lượng thép toàn thế giới. Trung Quốc cũng là nước XK thép lớn nhất thế giới với khoảng 50 triệu tấn thép/năm, nên khi kinh tế phát triển chậm lại, thép dư thừa càng lớn (200 triệu tấn) nên họ sẽ đẩy mạnh XK lượng dư thừa trong năm 2014.
Đây sẽ là thách thức lớn cho các nước lân cận, đặc biệt là Việt Nam - đất nước nhỏ bé nhưng công suất sản xuất thép đang dư thừa.
Ngành thép như ngồi trên "đống lửa” bởi bên cạnh vấn đề nội tại thì chính sách khuyến khích XK mà Trung Quốc áp dụng lâu nay như: Thuế suất đối với thép XK là 0% và thoái thu thuế GTGT tới 9%. Trung Quốc còn tận dụng quy định về mức thuế nhập khẩu (NK) thép với thép hợp kim (theo Hiệp định ASEAN - Trung Quốc là 0%) để đưa nguyên tố Boron vào khiến hầu hết các sản phẩm thép của họ được coi là thép hợp kim.
Điều này khiến giá thép Trung Quốc khi XK sang Việt Nam đều thấp hơn giá thép bán trong nước tới hơn 1 triệu đồng/tấn. Trong khi sản phẩm này chỉ làm được thép xây dựng và thép carbon thông thường, do cơ lý tính của thép không có gì thay đổi.
Để bảo hộ ngành thép trong nước, theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm có sự phối hợp của các cấp có thẩm quyền, đưa ra các biện pháp tự vệ. Nếu không triển khai nhanh thì thép xây dựng và thép cán nguội trong nước sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Nguồn tin: Công Thương