Cuộc cạnh tranh sống còn của các doanh nghiệp ngành thép ngày càng trở nên khốc liệt khi Việt Nam trở thành “sân chơi” có sự tham gia của các doanh nghiệp thép trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với sự gia nhập của Tập đoàn Formosa (Đài Loan- Trung Quốc) tại thị trường Việt Nam, ngành thép Việt Nam đứng trước nguy cơ cạnh tranh khốc liệt ngay trên thị trường nội địa. Mặc dù đại diện của Formosa cho biết, đầu tư vào thị trường Việt Nam chủ yếu để hưởng ưu đãi cạnh tranh trong khu vực ASEAN để xuất khẩu chứ không phải thị trường nội địa.
Ông Thái Chi Pháp, Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) cho biết, dự án có công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I và hơn 20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II.
Tổng mức đầu tư cho nhà máy này nằm trong tổng thể 3 dự án mà nhà đầu tư này đã và đang triển khai cho giai đoạn giai đoạn I với nguồn vốn khoảng 10 tỷ USD, bao gồm cả hệ thống cảng nước sâu Sơn Dương.
Xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương chuyên phục vụ cho dự án HFS
Cùng với vốn đầu tư “khủng” là những ưu đãi đầu tư mà không có dự án nào có được. Dự án hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ năm có thu nhập chịu thuế, miễn thuế trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Đặc biệt là mức ưu đãi đối với tiền thuê đất trong 70 năm cho hơn 3.318 ha, bao gồm gần 1.300 mặt biển khoảng hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. Thời gian thuê ổn định và không thể bị thu hồi trong bất kỳ trường hợp nào, ngay cả vì mục đích an ninh quốc phòng. Đây là cơ sở ban đầu để nhà đầu tư mạnh tay đầu tư vốn lớn.
Với những ưu đãi như trên, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Thép Việt đã bị “bỏ quên” trên sân nhà. Để cạnh tranh trong thế trận này, doanh nghiệp Việt chỉ còn con đường tập trung vào giá trị cốt lõi và đầu tư cho công nghệ hiện đại nếu không sẽ bị phá sản hoặc thôn tính.
Theo ông Lê Phước Vũ, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Doanh nghiệp Việt cần xây dựng đồng bộ những lợi thế cạnh tranh như tập trung vào chất lượng, giảm chi phí sản xuất, xây dựng thương hiệu.
Đầu tư cho công nghệ tiên tiến, điển hình như Dự án Pomina III (Công ty Thép Việt) sản xuất phôi và luyện thép với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, Nhà máy được đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), trong khu vực cảng nước sâu Phú Mỹ.
Dự án bao gồm 3 hạng mục đầu tư: Nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm; Nhà máy cán thép công suất 500 ngàn tấn/năm và một cảng biển có năng lực bốc dỡ đạt 3 triệu tấn năm phục vụ cho nhà máy.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Pomina cho biết, đây là sự kết hợp của những công nghệ hàng đầu, công nghệ luyện Consteel Techint của Mỹ, công nghệ cán thép Vai-Pomini và Siemens công nghệ tự động hóa của Ý và Đức. Đó là sự tích hợp công nghệ số 1 thế giới.
Giảm chi phí sản xuất thông qua ứng dụng của công nghệ điện toán trong quá trình sản xuất tận dụng được nguồn nhiệt tối đa, cửa lò không phải mở, giữ nhiệt ổn định ở 16000C, giảm được thời gian nung từ 60 phút xuống còn 45 phút, giảm tiêu hao điện năng từ 600KW/tấn xuống còn 350 KW/tấn.
Bên cạnh việc chiến đấu trên sân nhà, doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng tối đa các ưu thế về sản xuất và phân phối sản phẩm trên thị trường quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung xây dựng một lợi thế nhất định cho doanh nghiệp chuẩn bị tốt để hội nhập, ông Lê Phước Vũ lập luận.